3 Chén - Ý nghĩa lá bài 3 of Cups của Tarot Kiều

 

"Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng."

TỪ KHÓA

Tươi vui, Họp mặt, Gia nhập nhóm, Cộng đồng.

Có/Không: Có, nhưng chơi cũng phải có gu, có phong cách, buông lung quá đà thì nên tránh.

Công việc: Bạn đã bắt nhịp được với những cộng sự trong nhóm. Mọi người có thể nói là hợp cạ nhau. Làm cũng khá, mà chơi cũng vui.  

Tình cảm: Chừng như gần đây bạn mang người yêu đi “ra mắt” bạn bè khá thường xuyên. Đối phương cảm thấy vui, thấy mình được thừa nhận, bước vào không gian sinh hoạt của nhau, hiểu nhau hơn. Đại thể là vui vẻ. Nhưng trong ấy, ý bài cũng nói bạn không nên lạm dụng việc này quá, “ra mắt” đến một lúc đủ công khai, biết mặt nhau thì dừng.

BỐI CẢNH

Ở đây, ngoài ý nghĩa sự vui mừng, hòa nhập đến mức không còn khoảng cách của Kim và Kiều. Ta còn có thể khai thác một khía cạnh khác của ý nghĩa lá 3 Tiền: đó chính là sau khi 2 người đến với nhau, nghĩ về nhau ở lá 2 Tiền, thì đến là 3 Tiền là sự cân nhắc, suy nghĩ đến các mối quan hệ xã hội, cộng đồng xung quanh gồm: song thân, bạn bè, công việc, ... hay nói theo ngôn ngữ Truyện Kiều đó là tính chuyện Trăm năm.

Theo ý nghĩa trên, thì bối cảnh này cũng rất trùng hợp. Bởi vì sau khi Kim Kiều gặp nhau, trao đổi những sở thích cá nhân với nhau, những tâm tư khó chia sẻ với người khác cho nhau, khi họ quyết chí thề thốt hẹn ước bên nhau ở lá VI Người Tình, khi Kim Trọng mong ước "phải nàng cho ngay"

"Kiếp tu xưa ví chưa dày,

Phúc nào nhắc được giá này cho ngang!" 

"Sinh rằng: Gió mát trăng trong,

Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam .

Chày sương chưa nện cầu Lam

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?" C458

Kiều từ chối. Cô cho rằng việc trao thân cho nhau là một đại sự, phải có mẹ cha cho phép, trời đất chứng giám, để tránh lời vào tiếng ra, gìn giữ thể hiện cho gia đình và sự tôn trọng của Kim Trọng dành cho mình. Ngoài trừ điều này ra, Kiều chẳng còn tiếc gì với chàng Kim nữa cả, minh chứng được rằng: giữa 2 người họ dù thời gian bên nhau chưa nhiều, nhưng đã không còn khoảng cách với nhau.

"Nàng rằng: Hồng diệp xích thằng,

Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri .

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia

Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai." C462

Phải khen, ý chí và lý trí của cô bấy giờ đủ mạnh lấn át ham muốn dục tình bên trong. Chàng Kim dù bị từ chối, nhưng lòng lại yêu và trọng nàng hơn. Chàng nhẹ nhàng yêu cầu nàng đàn cho chàng nghe:

"Rằng: Nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ."

Ở đây, ta dừng một chút để chia sẻ về biểu tượng Tiếng Đàn trong tác phẩm Truyện Kiều. Nàng Kiều đàn rất nhiều lần và đó còn là tài năng đặc biệt của cô, nhưng trong Truyện Kiều, có 4 lần Nguyễn Du miêu tả chi tiết tiếng đàn của nàng:

Lần 1: Đàn cho Kim Trọng nghe sau khi đã từ chối dục vọng của chàng.
Lần 2: Đàn cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe để thỏa cơn ghen của Hoạn Thư
Lần 3: Đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe trong tiệc khao quân mừng dẹp loạn Từ Hải
Lần 4: Đàn cho Kim Trọng nghe trong đêm động phòng trắng sau 15 năm xa cách

Ở lần thứ 2, tại sao trong cơn ghen, Hoạn Thư lại muốn Kiều đàn cho Thúc Sinh nghe trước sự chứng kiến của mình? 

Đó là bởi vì: Nghe Đàn là một thú vui hoan lạc, sảng khoái, để thư giãn, xóa bỏ dần khoảng cách với nhau. Trong Thanh Lâu, luôn sẽ có những buổi nhạc tiệc, từ đàn hát xướng ca, nhảy múa đến những lạc thú khác. Khi mọi người đã chơi chán rồi, ai đã ngà ngà say rồi thì mới đến lên phòng riêng tận hưởng ái ân, cho nên theo quan điểm dân gian: Ca Kỹ rất gần Kỹ nữ bán thân. Và điều này cũng giải thích vì sao các Ca Kỹ hay nói: "bán nghệ chứ không bán thân", là để phân biệt cho điều này.

Thế thì ở lần 2: việc Hoạn Thư bắt Kiều đàn cho Thúc Sinh nghe chính là để 2 người hồi tưởng lại khoảng thời gian hoan lạc của 2 người sau lưng Hoạn Thư và giờ Hoạn Thư đang ngồi đây, 2 người còn có thể làm gì? Đây thực sự là một hình thức tra tấn tinh thần.

Ở lần thứ 3: Tiếng đàn càng bi thảm hơn cho số phận của nàng Kiều khi nàng vừa giết chồng nhưng lại bị bắt đàn trong tiệc khao quân của Hồ Tôn Hiến. Tiếng đàn này, đã khiến cho Hồ Công yêu nàng trong men say. Sáng ra, khi tinh thần đã tỉnh táo hơn, lý trí Hồ Công ép nàng gả cho Thổ quan, còn trái tim của quan thì ta không tài nào biết được.

"Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào .
Phải tuồng trăng gió hay sao,
Sự này biết tính thế nào được đây?"

Cho nên, ở lần thứ 1, khi đàn cho Kim Trọng nghe, đây là một giải pháp thay thế hợp lý cho việc từ chối dục vọng, bởi vì tiếng đàn trong phòng riêng chỉ có 2 người, cũng đã đủ cho sóng tình đang dâng trào.

Ở lần 4, cũng lại là một giải pháp thay thế cho việc giao hoan ái ân của 2 người, để nàng còn giữ được chút chữ "Trinh" với chàng Kim. Và cũng chỉ với một mình chàng Kim, Kiều mới dùng chữ Trinh. 

Sau này, khi đã làm kỹ nữ thanh lâu, Kiều có ý hối hận vì ngày trước đã từ chối chàng Kim.

"Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai." C790

Nhưng đó là chuyện của sau này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét