11 - Công Chính - Ý nghĩa lá bài số XI Justice của Tarot Kiều

 

“Đạo trời báo phục chỉn ghê,

Khéo thay! Một mẻ tóm về đầy nơi,

Quân trung gươm lớn áo dài,

Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi .

Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

Trướng hùm mở giữa trung quân,

Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi .

Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên.

Từ rằng: ân, oán hai bên,

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh

Nàng rằng: Nhờ cậy uy linh,

Hãy xin báo đáp ân tình cho phu .

Báo ân rồi sẽ trả thù.

Từ rằng: Việc ấy phó cho mặc nàng.”

TỪ KHÓA

Công lý, Làm việc cần làm, Trách nhiệm, Quyết định, Luật Nhân Quả.

Về công việc: Hãy chọn làm những điều đúng theo quy tắc, quy ước chung. Hãy cẩn thận những việc vướng vào luật pháp.

Về tình yêu: Mối quan hệ này đang khá nghiêm túc, lạnh lùng, có phần gia trưởng, kiểm soát mà thiếu tình cảm, sự lãng mạn.

Câu hỏi Có/Không?: Cứ theo luân lý, điều xã hội quyđịnh mà làm.

------------------------------------

BỐI CẢNH

Thúc Sinh không thể cho Kiều sự ưu tiên và uy quyền, nhưng Từ Hải thì có thể. Với họ Từ, Kiều cứ nói gì là chàng chiều chuộng hết. Phải trái đầu đuôi cũng mặc. Cán cân công tội đặt hết lên tay Kiều.

Nhờ uy linh nghiêng trời đó, Kiều đã có những giây phút tỏa sáng rực rỡ. Lần đầu tiên trong bộ truyện, Kiều oai đến như vậy. Từ Công ra mặt cho nàng, động binh vì nàng, rồi trao hết mọi quyền phán quyết cho nàng. Một cơ hội lạ lùng và có phần vô lý.

Chính Từ Công cũng đâu rõ đầu đuôi. Ông ta chỉ nghe từ một người rồi động binh làm điên đảo cả thành phố. Nhưng tạm để chuyện ấy qua một bên. Nhờ uy linh Từ, Kiều có dịp báo phục mọi ân oán từ trước đến nay.

Những người đã từng thương xót, cưu mang Kiều khi nàng lỡ bước sa cơ gồm Thúc Sinh, Mụ Quản Gia, Sư Giác Duyên thì giờ đều được hậu đãi tận tình.

"Dắt tay mở mặt cho nhìn:

Hoa Nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi .

Nhớ khi lỡ bước xẩy vời,

Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.

Nghìn vàng gọi chút lễ thường,

Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân?" C2348

Kìa những kẻ xem nàng là rơm, là cỏ, là món hàng. Nàng chỉ đơn giản là “thế sao thì lại cứ sao gia hình”. Bạc Hạnh, Bạc Bà, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh. Họ lừa nàng vào chốn lầu xanh. Xử họ thì coi như cũng phải lẽ. Âu cũng là Luật Nhân Quả.

"Nàng rằng: Lồng lộng trời cao,

Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta ?

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,

Các tên tội ấy đáng tình còn sao ?

Lệnh quân truyền xuống nội đao,

Thề sao thì lại cứ sao gia hình." C2388

Những cái tên trên chẳng qua cũng chỉ làm nền cho một màn đối đáp kinh điển. Bởi người nàng Kiều sắp xử thuộc về một diện đặc biệt. Nàng ấy là Hoạn Thư, người cũng gây ra khốc hại, nhưng lại quý trọng Kiều và coi nàng là một đối thủ đúng nghĩa.

Và quả như Kiều liệu chẳng sai. Hoạn Thư khi thất thế thì khí phách cũng không thay đổi. Tuy là có hồn lạc phách xiêu nhưng thái độ và lý lẽ vẫn rõ nét hơn người. Nàng ấy thực là một kỳ nữ. Là một kỳ phùng địch thủ của Kiều.

“Rằng: Tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,

Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo .

Lòng riêng riêng những kính yêu;

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai .

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

Tình lý ngay ngắn như thế. Thái độ rõ nét như thế. Kiều nào dễ muốn làm gì thì làm. Hơn nữa, Kiều hiểu rõ lý do vì sao Hoạn Thư đánh ghen. Trong cuộc tình với Thúc, kể ra Kiều mới là người thứ ba xen vào gia đình người khác. 

Kiều có lý của nàng. Hoạn Thư cũng có lý của cô ấy. 

Kiều không bám vào Thúc Sinh chẳng lẽ rũ xương trong thanh lâu. Hoạn Thư không xử Kiều chẳng lẽ để gia đình tan nát, mất mặt gia môn.

Thật là “thường tình”, là “riêng riêng những kính yêu”. Thế nên mới có “truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.

Ngay tại hành động đó, hai người phụ nữ mới thực là ngang hàng. Họ bất đắc dĩ mà trở thành kẻ thù của nhau. Nhưng nếu có một kiếp sống khác, hai người ấy sẽ thực là đôi bạn tâm giao. Tình huống này cũng là một sự hợp tình hợp lý, đầy nhân văn của đại thi hào Nguyễn Du khác biệt so với nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân.

Kiều đã luôn mong một khoảnh khắc như thế. Nhưng nào có được. Khi trước, tiểu thư là con gái quan Lại bộ, còn Kiều chỉ là một hoa nô thấp bé. Dù cho trong lòng hai người đều biết rõ về nhau, nhưng khoảng cách địa vị, quyền lực, tình thế đã ngăn cản 1 mối quan hệ tâm giao như thế.

Ngày trước, Hoạn Thư bắt Kiều hầu rượu cho vợ chồng mình.

Nay, Kiều ép Hoạn Thư cúi mình giữa chốn công môn.

Ngày trước, Hoạn Thư thả cho Kiều bỏ trốn. Nay, Kiều tha bổng cho Hoạn Thư về.

Ngày trước, Hoạn Thư dành cho Kiều sự kính trọng ngầm. Nay, Kiều tạo điều kiện cho Hoạn Thư thổ lộ điều ấy ra.

Hai người đều là những kỳ nữ tự tin và đầy bản lĩnh. Thành thử giữa hai người họ không thể phân cao thấp. Chỉ có lấy một chữ “hòa”.

Thâm tâm Kiều đâu muốn hại ai! Điều cô mong là một khúc khải hoàn long trọng, một lần nhận lại công lý với đời, ngẩng mặt trước vầng tuế nguyệt. Nhờ Từ Hải, Kiều đã có được điều đó.

Xem lá số XII Treo Ngược để xem kiếp nạn tiếp theo của Kiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét